1. Những chiêu trò dễ mắc phải khi bạn bị lừa tiền trên mạng
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong năm 2023, hệ thống cảnh báo an toàn thông tin đã tiếp nhận gần 17.400 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, theo số liệu của Bộ Công an, cơ quan công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo là 8.000 - 10.000 tỷ đồng
Với mục đích chiếm đoạt tài sản, các đối tượng hoạt động với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt với thông tin giả mạo; dẫn đến việc truy vết, liên lạc và làm việc vô cùng khó khăn
Những bè nhóm lừa đảo này sẽ không bao giờ tự nguyện hoàn trả lại tiền và càng không có chuyện các đối tượng chịu đàm phán, thương lượng với các nạn nhân. Cách giải quyết duy nhất là trình báo cơ quan công an nơi cư trú. Bởi vậy, người dân cần hết sức cảnh giác khi làm việc với các đối tượng: "Nhận lấy lại tiền bị lừa đảo" được quảng cáo trôi nổi trên mạng xã hội.
2. 5 kỹ năng giúp người bị lừa đảo trực tuyến có thể làm để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ chính mình khỏi những rủi ro tương tự trong tương lai
Thứ nhất: Chặn và báo cáo các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo
- Khi gặp lừa đảo trực tuyến, các cá nhân cần chủ động chặn các tin nhắn cuộc gọi: Khi được tiếp cận bởi các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên chủ động ngắt liên lạc, chặn tin nhắn.
- Báo cáo các tin nhắn, cuộc gọi: Chặn và báo cáo các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội. Đối với các cuộc gọi điện, lưu lại số điện thoại của các đối tượng và trình báo với cơ quan công an nhằm kiểm tra và bắt giữ.
Thứ hai: Báo cáo về Trang cảnh báo an toàn Thông tin Việt Nam
Khi đối diện với những kẻ lừa đảo, rất có thể hành vi đó đã được báo cáo và đăng tải bởi các cơ quan truyền thông hoặc nạn nhân khác. Gửi cảnh báo về Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn.
Thứ ba: Nếu đã chuyển tiền, cần dừng lại ngay lập tức
Không ít trường hợp nạn nhân nhẹ dạ cả tin, làm theo lời dẫn dụ của đối tượng lừa đảo và tự chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng này. Trong trường hợp gặp phải tình huống tương tự, nạn nhân cần phải: dừng chuyển tiền, tuyệt đối không tiếp tục làm theo lời dẫn dụ của đối tượng lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch; sao lưu lịch sử giao tiếp, giao dịch: nhanh chóng lưu lại các đoạn hội thoại với đối tượng lừa đảo, lịch sử giao dịch chuyển khoản nhằm phục vụ cho quá trình điều tra và truy vết đối tượng; trình báo lừa đảo: trình báo vụ việc lừa đảo trực tuyến với các cơ quan chức năng như lực lượng công an địa phương; cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trường hợp lừa đảo này để họ có thể đề phòng những chiêu trò tiếp theo có thể xảy ra.
Thứ tư: Nếu bị mất thông tin đăng nhập hoặc mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, các thiết bị điện tử cá nhân:
Trong trường hợp các đối tượng lừa đảo có thông tin đăng nhập tài khoản hay chiếm được quyền điều khiển thiết bị và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người dùng cần:
- Liên hệ với ngân hàng hoặc các đơn vị tài chính: Trong trường hợp thông tin tài chính bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, liên hệ ngay với ngân hàng hoặc các đơn vị tài chính để thông báo về sự cố và khóa tài khoản. Điều này sẽ giúp ngăn chặn các đối tượng thực hiện giao dịch trái phép.
- Thay đổi toàn bộ mật khẩu: tạo mật khẩu có độ khó cao, trên 12 ký tự (bao gồm chữ số chữ hoa, chữ thường và các ký tự đặc biệt), đồng thời bật tính năng bảo mật hai bước trên các nền tảng trực tuyến đang sử dụng.
- Kiểm tra thiết bị và hệ thống: Sử dụng phần mềm diệt virus và các công cụ bảo mật khác để quét thiết bị nhằm phát hiện và loại bỏ phần mềm độc hại.
- Cài đặt lại hệ thống thiết bị: Trong trường hợp nhận thấy thiết bị có dấu hiệu bị xâm nhập, người dân nên đặt lại dữ liệu, đưa thiết bị về trạng thái nguyên bản nhằm loại bỏ các phần mềm độc hại, ngăn không cho đối tượng thực hiện hành truy cập vào các tài khoản trực tuyến.
Thứ năm: Thu thập và lưu lại đầy đủ bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi cư trú
3. Những lưu ý để tránh gặp lại các sự cố tương tự trong tương lai
- Một là: Bảo vệ thông tin cá nhân: Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Ẩn hết các thông tin cá nhân như địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số điện thoại…). Khi đăng gì lên mạng xã hội nên cân nhắc kỹ và nên chia sẻ ở chế độ bạn bè.
- Hai là: Sử dụng mật khẩu dài và phức tạp: Đảm bảo mỗi tài khoản trực tuyến sở hữu mật khẩu mạnh, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
- Ba là: Thiết lập xác thực đa yếu tố (2FA): Kích hoạt xác thực đa yếu tố đối với các tài khoản trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung một lớp xác thực (thông qua tin nhắn, email hoặc cuộc gọi) ngoài mật khẩu nhằm gia tăng mức độ bảo mật cho tài khoản.
- Bốn là: Cập nhật phần mềm bảo mật: Cài đặt và thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus, tường lửa, và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị khỏi các phần mềm có chứa mã độc và các mối đe dọa khác.
- Năm là: Kiểm tra và giám sát tài khoản tài chính: Theo dõi kỹ các giao dịch trên tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng để phát hiện bất kỳ giao dịch nào không hợp lệ.
- Sáu là: Sao lưu dữ liệu định kỳ: Sao lưu dữ liệu quan trọng thường xuyên để tránh mất dữ liệu trong trường hợp bị tấn công hoặc bị lừa đảo.
Từ khóa: #luadaochiemdoattaisan #luadaoquamang #luadaointernet #luadaotructuyen #phongtranhluadaotrenmang #togiactoipham #togiacluadao