Câu hỏi từ Chị T.T.K (39 tuổi) ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm:
Tôi và chồng đã ly hôn từ năm 2023 do quan điểm sống không hợp, hôn nhân rạn nứt. Do tôi thường xuyên bận rộn công việc, nên chồng cũ là người trực tiếp nuôi con chung của chúng tôi. Tuy nhiên sau khi ly hôn, tôi nhiều lần muốn đón con về chăm sóc những ngày cuối tuần, thì liên tục bị gia đình nội và bố cháu cấm cản. Vậy tôi có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp không?
Câu trả lời từ Công ty Luật TNHH Quốc tế Thái Bình:
Chị hoàn toàn có quyền thăm nom con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 82 và Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 82: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở." Đồng thời, khoản 2 Điều 83 cũng quy định: "Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
Như vậy, việc chồng cũ và gia đình nội ngăn cản chị gặp con là trái với quy định pháp luật.
Nếu bị cản trở, chị có thể thực hiện một trong các biện pháp sau:
(1) Thỏa thuận với chồng cũ để tìm ra giải pháp phù hợp;
(2) Nhờ chính quyền địa phương can thiệp, hòa giải;
(3) Khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu bảo vệ quyền thăm con. Theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi ngăn cản quyền thăm nom con có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Vì vậy, nếu không thể giải quyết bằng thỏa thuận, chị hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Nếu chị còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.