Tổ chức hoặc cá nhân có thể lực chọn một trong các loại hình kinh doanh để đăng ký kinh doanh dạy thêm bao gồm: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, đa phần giáo viên sẽ lựa chọn loại hình Hộ kinh doanh. Dưới đây là các bước hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hình thức Hộ kinh doanh.
Bước 1: Hồ sơ cần chuẩn bị
Căn cứ tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu rõ hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao bằng cấp chuyên môn phù hợp với môn học tổ chức dạy thêm;
- Giấy tờ pháp lý của người đăng ký hộ kinh doanh (trường hợp hộ gia đình cùng đăng ký thì bổ sung bản sao giấy tờ của các thành viên hộ gia đình)
VD: Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu/Giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác vẫn còn hiệu lực;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh (trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh);
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh (trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh);
- Bản sao hợp đồng thuê địa điểm dạy học (trong trường hợp thuê địa điểm kinh doanh).
Như vậy, nếu bạn đăng ký hộ kinh doanh với tư cách cá nhân (không có các thành viên hộ gia đình cùng tham gia), thì hồ sơ chỉ cần:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của bạn (CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực);
- Bản sao hợp đồng thuê địa điểm (nếu có thuê địa điểm kinh doanh);
- Mẫu công khai thông tin dạy thêm: Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm, danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể theo hai cách:
- Cách 1: Nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh)
- Cách 2: Nộp trực tuyến tại http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn.
Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
- Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
- Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Lưu ý:
1. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường. Nội dung báo cáo gồm: Môn học dạy thêm; Thời gian tham gia dạy thêm; Hình thức dạy thêm; Địa điểm dạy thêm;
2. Mã ngành kinh doanh: Khi đăng ký, cần ghi rõ mã ngành 8559 – Giáo dục khác chưa được phân vào đâu, bao gồm cả dạy thêm, học thêm;
3. Đăng ký thuế lần đầu: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trong vòng 10 ngày, người đăng ký kinh doanh cần đăng ký thuế lần đầu tại Chi cục Thuế nơi đặt cơ sở dạy thêm;
4. Tuân thủ quy định pháp luật: Hoạt động dạy thêm phải tuân thủ các quy định về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.